Thủ tục nhập học đại học tuy rất quan trọng nhưng lại ít bài viết hướng dẫn hơn khá nhiều so với những chủ đề khác. Và đó cũng là lý do hôm nay Việt Phát vti quyết định viết bài viết này, nhằm giúp các bạn biết thêm những thông tin cơ bản và cần thiết nhất để luôn sẵn sàng trong mọi tình huống.
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra ở đây là liệu có sự khác biệt nào giữa Einschreibung và Immatrikulation hay không? Đáp án là không. Cả 2 từ tiếng Đức này đều chỉ thủ tục nhập học vào các trường đại học tại Đức. Đây là việc bạn bắt buộc cần hoàn thành đúng hạn ngay sau khi nhận được giấy báo đỗ vào một trường đại học tại Đức( thường gọi là Zulassung). Thủ tục và các giấy tờ cần thiết sẽ có sự khác biệt giữa các trường đại học cũng như các thành phố khác nhau, tuy nhiên về cơ bản những điểm chung mà sinh viên nào cũng cần lưu ý đó chính là chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, bao gồm cả bản giấy lẫn bản scan pdf để gửi cho hệ thống riêng của từng trường cũng như phải chuyển khoản tiền lệ phí kì (Semesterbeitrag) đúng hạn và đặc biệt là bằng chứng về bảo hiểm sức khỏe bắt buộc cho sinh viên tại Đức.
Điều đầu tiên bạn cần lưu ý đó chính là đặc điểm về ngành học của bạn, mà cụ thể là thông tin về việc ngành học của bạn là ngành NC frei hay NC. Nếu bạn chưa biết, NC là viết tắt của Numerus Clausus có nghĩa là giới hạn số sinh viên. Nếu ngành học của bạn là ngành NC frei, yêu cầu về hồ sơ đăng kí học của bạn cũng đơn giản hơn, và bạn sẽ không cần quá để tâm tới “điểm cuối cùng” của mình, ở đây “điểm cuối cùng trong hồ sơ đăng kí học đại học của bạn sẽ được tính dựa vào kết quả của kỳ thi Feststellungsprüfung, kỳ thi bạn thực hiện sau khi hoàn thành 2 kì học tại trường dự bị đại học, và với các sinh viên quốc tế, và kết quả thi trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia mà bạn đã vượt qua ở Việt Nam, cách tính cụ thể với “điểm cuối cùng” này cũng dựa trên quy định của từng trường đại học khác nhau. Còn với những bạn chọn những ngành có giới hạn số sinh viên được nhận trong mỗi kì học, hay còn gọi là ngành NC đầu tiên xin được chúc mừng bạn vì đã vượt qua sự cạnh tranh gắt gao để đạt được kết quả mong muốn, và điều cực kì quan trọng, cũng như là điểm khác biệt lớn nhất giữa ngành có hoặc không giới hạn số sinh viên là bạn phải kiểm tra thật kĩ và hoàn thành thủ tục sớm nhất có thể vì theo như giấy báo đỗ (Zulassung) nếu bạn không hoàn thành thủ tục nhập học trước thời hạn nhà trường đặt ra, vị trí của bạn sẽ được dành cho một sinh viên khác. Cũng cần rất lưu ý đó chính là với các ngành NC này, thì nhà trường cũng thường giới hạn phần trăm số suất đỗ cho sinh viên quốc tế ( thường là 10% trên tổng số sinh viên được nhận). Ngoài ra, ở một số trường đại học, với một số ngành học nhất định, nhà trường cũng yêu cầu, hoặc thêm điểm cộng với những bạn đã có kinh nghiệm thực tập. Điều này thường thấy ở các ngành NC, ngành giới hạn số sinh viên hơn. Và bạn cũng không nên ngạc nhiên bởi rất nhiều trường phổ thông tại Đức có yêu cầu học sinh của mình tham gia các khóa thực tập ngắn cho học sinh phổ thông từ sớm. Tuy nhiên, trong thời buổi dịch bệnh hiện nay, việc này là khá khó khăn và phần lớn các trường đại học cũng đã giảm tải quy định này. Nhưng nếu bạn đã có kinh nghiệm thực tập, đừng quên bổ sung giấy tờ chứng minh vào hồ sơ nhập học của mình nhé.
Vậy cùng đi tới phần thông tin chính quan trọng nhất, một bộ hồ sơ nhập học đại học tại Đức cần những giấy tờ gì? Dưới đây là danh sách tham khảo của Việt Phát vti, ngoài ra mỗi trường đại học đều có những giấy tờ riêng, bạn đừng quên kiểm tra lại nhiều lần để chắc chắn là mình đã chuẩn bị đủ nhé! Đặc biệt là phần lớn các giấy tờ đều yêu cầu bản sao y công chứng, bạn hãy chú ý thêm điều này nhé!
-
Giấy tờ tùy thân: Hộ chiếu, thẻ cư trú (hoặc visa)
-
Hochschulzugangsberechtigung (với học sinh người Đức là bằng tốt nghiệp phổ thông, Abiturzeugnis) với sinh viên quốc tế, Việt Phát vti gợi ý là bạn nên gửi toàn bộ bản công chứng và bản dịch công chứng nếu trường yêu cầu gửi hồ sơ qua đường bưu điện, hoặc scan và gộp tất cả giấy tờ dưới đây thành một bản PDF và đặt tên là Hochschulzugangsberechtigung tên bạn (hoặc mã số hồ sơ trường cung cấp cho bạn): bằng tốt nghiệp THPT tại Việt Nam, giấy báo đỗ từ một trường đại học ở Việt Nam được Đức công nhận, kết quả kỳ thi THPT Quốc gia và chứng chỉ vượt qua kỳ thi Feststellungsprüfung đã bao gồm kết quả thi của bạn.
-
Bằng chứng về trình độ tiếng Đức (mức C1): trong chứng chỉ vượt qua kỳ thi Feststellungsprüfung thường đi kèm câu “ Die bestandene FSP im Fach Deutsch entspricht mindestens der Niveaustufe C1 des GeEuRef” hoặc một câu tương tự, có nghĩa là việc vượt qua bài thi tiếng Đức của kỳ thi Feststellungsprüfung này tương đương với việc đạt trình độ tiếng Đức mức C1. Lưu ý nếu là tải tài liệu lên một trang web online của trường, bạn cần tải chứng chỉ này 2 lần cho 2 mục đích khác nhau, là Hochschulzugangsberechtigung như trên và chứng minh trình độ tiếng Đức.
-
Đơn riêng của nhà trường (in ra và ký)
-
Sơ yếu lý lịch theo thời gian thực và ảnh thẻ
-
Giấy chứng nhận về bảo hiểm y tế bắt buộc cho sinh viên: Giấy này sẽ được công ty bảo hiểm cung cấp cho bạn và thủ tục để đăng kí bảo hiểm y tế cũng khá đơn giản. Một số công ty bảo hiểm được nhiều sinh viên tin tưởng lựa chọn: TK, AOK,…Hãy đón chờ bài viết tiếp theo của Việt Phát vti về bảo hiểm y tế bắt buộc cho sinh viên với những thông tin chi tiết hơn trong thời gian tới nhé!
-
Đối với những bạn chuyển trường, hoặc chuyển ngành, bạn cần cập nhật tất cả thông tin về trường và ngành học cũ của mình, ví dụ như những môn thi và kết quả thi bạn từng tham gia, giấy nghỉ học từ ngành, trường cũ,…
Có thể nói thủ tục nhập học tại Đức không hề đơn giản, tuy nhiên nếu bạn dành thời gian tập trung và đọc kĩ những hướng dẫn từ nhà trường cũng như làm theo chính xác theo từng bước trong hướng dẫn, cũng như chuẩn bị bộ hồ sơ thật cẩn thận, thủ tục này sẽ không thể làm khó các bạn được. Trong nhiều trường hợp, thủ tục nhập học sẽ kéo dài lâu hơn với thời gian được thông báo, điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi số lượng sinh viên nhập học mỗi năm tại các trường đại học là vô cùng đông đảo, thường rơi vào hàng nghìn sinh viên mỗi kì học. Hãy thật bình tĩnh và đừng ngần ngại liên hệ đến văn phòng thư kí hay những bộ phận hỗ trợ khác tại trường đại học của bạn để có những thông tin cập nhật mới nhất về trường hợp của bản thân cũng như biết rõ những việc tiếp theo cần làm bạn nhé. Ngoài ra, nếu bạn chưa thể hoàn thành xong thủ tục nhập học trước khi kì học bắt đầu thì cũng không cần quá lo lắng vì trên các nền tảng, trang web học trực tuyến của các trường cũng có chế độ đăng nhập là tài khoản khách (als Gast melden) hoặc bạn cũng có thể nhận những thông tin đăng nhập cho tài khoản tạm thời của mình từ nhà trường, điều này sẽ hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc học tập của bạn. Việt Phát vti chúc cho các bạn sẽ hoàn thành thủ tục này thật thuận tiện và nhanh chóng cũng như sẽ có một khởi đồng thật rực rỡ cho hành trình chinh phục những nấc thang học vấn tại CHLB Đức nhé!